Nhân Sâm Hàn

Táo đỏ Hàn Quốc làm món gì?

 Táo đỏ Hàn Quốc làm món gì?

Táo đỏ Hàn Quốc hay còn gọi là táo tàu Hàn Quốc, 1 trong những loại thực phẩm, gia vị và vị thuốc Đông y có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến, hiệu quả nhanh và phù hợp với mọi lứa tuổi. Táo đỏ Hàn được trồng theo giống Đại hồng táo của Trung Quốc ở vùng Tân Cương, tuy nhiên quả nhỏ hơn rất nhiều nhưng vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng gần tương đương ở mức cao nhất so với giống táo gốc. 

Táo đỏ Hàn Quốc được xuất khẩu ở dạng sấy khô sang nhiều thị trường trong đó có Việt Nam. Người ta thường dùng táo đỏ Hàn trong những bài thuốc Đông y, trong thực phẩm bồi bổ cơ thể, trong bữa ăn hàng ngày hay ăn vặt để tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị một số loại bệnh nhất định. Vậy táo đỏ Hàn Quốc làm món gì? Làm như thế nào là đúng cách nhất? Cùng tìm hiểu những món ăn làm từ Táo đỏ Hàn Quốc bổ dưỡng nhất nhé. 

Táo đỏ Hàn Quốc tươi

Các món chè 

Chè dưỡng nhan

Nguyên liệu: Táo đỏ, tuyết yến, kỷ tử, nhựa đào, long nhãn, tuyết liên tử, hạt chia mỗi loại 20g, đường phèn, nước 1 lít.

Cách làm: Chỉ cần cho tất cả nguyên liệu vào đun lên, đến khi đặc thì tắt bếp. Chỉ nên dùng khi chè còn ấm, không dùng kèm đá tránh bị lạnh bụng và mất dinh dưỡng các vị thuốc.

Chè táo đỏ hầm với đậu xanh và lá bạch quả

Nguyên liệu: 10 quả táo đỏ, 20gr đậu xanh, lá bạch quả tươi 20gr, nước 600ml, đường trắng.

Cách làm: 

B1: Ngâm táo và đậu xanh với nước lạnh

B2: Giã lá bạch quả tươi ra hoặc xay nát với máy, cho vào nước đun sôi rồi lọc nước, bỏ bã. 

B3: Cho táo đỏ và đậu xanh đã ngâm vào đun cùng với nước cốt lá bạch quả cho đến khi đậu nở bung là dùng được. 

Kỷ tử hầm nguyên sâm với táo đỏ 

Nguyên liệu: 

Cách làm: 15 hạt kỷ tử, 30gr nguyên sâm, 30 quả táo đỏ, 6 quả ô mai. 

B1: Cho khoảng 4 bát nước cùng các nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi đun sôi trong 20 phút. 

B2: Sau đó, cho thêm đường (tùy khẩu vị), đun tiếp cho đến khi hỗn hợp bắt đầu hơi cô đặc lại thì tắt bếp để nguội.

Nên ăn kèm các món khác, mỗi ngày dùng 2 lần và mỗi lần khoảng 2 thìa canh. 

Các món canh 

 

Canh nhân sâm táo đỏ 

Nguyên liệu: 80gr hạt ý dĩ, 40gr táo đỏ khô, 15gr nhân sâm, 5 lít nước, 60gr mật ong. 

Cách làm: 

B1: Rửa sạch các nguyên liệu, để ráo nước, riêng hạt ý dĩ cần vo sạch rồi ngâm trong nước ấm khoảng 10 phút. 

B2: Sau đó dùng nồi to cho ý dĩ, táo đỏ và 15g sâm cùng với khoảng 5 lít nước đun với lửa lớn khi sôi rồi thì hạ lửa, để khoảng 10 phút rồi cho tiếp 60g mật ong vào và tắt bếp là hoàn thành. 

Canh gà táo đỏ hạt sen 

Nguyên liệu: 40gr táo đỏ, 30gr hạt sen, 1 con gà ta, 1 củ cà rốt, hành, gừng, hạt tiêu và gia vị các loại. 

Cách làm:

B1: Ngâm táo đỏ với nước ấm 10 phút và để ráo nước, nấm cắt gốc và ngâm với nước muối loãng sau đó rửa sạch và để ráo. Gà dùng nguyên con, rửa thật sạch nhiều lần với muối và chanh để khử mùi và diệt khuẩn, chặt thành nhiều miếng vừa ăn. Hạt sen thì bỏ tim, rửa sạch và để ráo. Cà rốt gọt vỏ, xắt thành miếng nhỏ vừa ăn. Hành lá sơ chế tương tự. 

B2: Ướp thịt gà với hành tỏi băm nhỏ, ½ thìa muối, ½ thìa tiêu, ½ thìa ớt bột, 1 thìa đường, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa rượu và 2 thìa dầu ăn. Để gà thấm gia vị trong 30 phút.

B3: Cho tất cả nguyên liệu đã sơ chế vào nồi hầm với rau củ quả tùy thích, thêm nước ngập vừa hết phần nguyên liệu và đun sôi với lửa lớn. Đun với lửa nhỏ khoảng 60 phút cho đến khi gà mềm, nêm nếm vừa ăn. 

Canh cỏ nhọ nồi hầm táo đỏ

Nguyên liệu: 50gr cỏ nhọ nồi, 20 quả táo đỏ. 

Cách làm: 

B1: Rửa sạch nguyên liệu, để ráo nước. 

B2: Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, đổ nước xấp mặt và đun cho đến khi sôi lăn tăn thì vớt ra bỏ cái. Dùng hằng ngày như một món canh, có thể ăn kèm với táo. 

Các món cháo

Cháo táo đỏ truyền thống 

Nguyên liệu: 10 quả táo (có thể dùng táo đỏ khô hoặc tươi), 100g gạo nếp, 20g mộc nhĩ, nước.

Cách làm: 

B1: Ngâm và vo sạch gạo nếp, mộc nhĩ ngâm cho nở, lọc bỏ phần cuống. 

B2: Cho gạo nếp, mộc nhĩ, táo vào nồi, đổ nước xấp mặt, hầm nhừ là có thể dùng. 

Cháo nhân sâm táo đỏ 

Nguyên liệu: 10 quả táo đỏ, 10gr sâm, 10gr mạch đông, 10gr phục thần, 100gr gạo nếp, 2 lít nước. 

Cách làm: Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi đun cho đến khi thành cháo. Nên hầm trong khoảng 2-3 tiếng để các nguyên liệu mềm và ra hết chất dinh dưỡng. 

Cháo hà thủ ô táo đỏ 

Nguyên liệu: 30gr hà thủ ô, 100gr gạo lứt, 3 quả táo đỏ. 

Cách làm: 

B1: Cho hết hà thủ ô vào nồi đất hoặc ấm chuyên dụng sắc thuốc bắc, đun cho hà thủ ô cô đặc lại, lọc bỏ bã. 

B2: Vo gạo thật sạch, rửa táo đỏ rồi để sau đó cho vào nồi cùng với cốt hà thủ ô, chế thêm nước và đun sôi. 

B3: Hạ nhỏ lửa và đun cho đến khi thành cháo, tiếp tục cho đường phèn vào và nêm nếm vừa ăn.

Rượu táo đỏ 

Nguyên liệu: 1kg táo đỏ, 3-4 lít rượu trắng loại ngon, có thể thêm đường phèn nếu thích. 

Cách làm: 

B1: Rửa sạch táo đỏ, để ráo nước. 

B2: Cho hết phần táo đỏ đã chuẩn bị vào hũ thủy tinh, đổ khoảng từ 3 đến 4 lít rượu vào, đậy kín ngâm ít nhất 3 tháng, càng để lâu càng ngon. Ngoài ra cũng có thể ngâm kèm với sâm Hàn Quốc, để tăng tính bổ dưỡng.

Trà táo đỏ 

Nước táo đỏ long nhãn 

Nguyên liệu (khẩu phần cho 4 người): 60gr táo đỏ, nửa lít nước, 30gr long nhãn, 15gr kỷ tử. 

Cách làm:

B1: Rửa sạch phần táo đỏ đã chuẩn bị. Thái lát mỏng sau đó đem ngâm nước lạnh ít nhất 1 tiếng, tốt nhất là ngâm qua đêm. 

B2: Cho cả phần táo đỏ và nước ngâm cùng 30gr long nhãn vào nồi đun sôi 25 phút. Kế tiếp cho kỷ tử vào đảo đều 5 phút nữa là tắt bếp. (Có thể thêm 1 chút đường nếu thích)

B3: Có thể dùng nóng ngay hoặc để nước nguội, sau đó cho vào bình thủy tinh, cất trong ngăn mát tủ lạnh để bảo quản và dùng dần. Nếu muốn dùng lạnh, có thể thêm đá cũng không làm ảnh hưởng chất lượng thành phẩm. 

Trà hoa cúc táo đỏ

Nguyên liệu (khẩu phần cho 2 người): 100gr hoa cúc khô hoặc tươi tùy thích (có thể dùng trà hoa cúc khô để thay thế), 5 trái táo đỏ, 1 lít nước, 15gr kỷ tử và 200gr đường phèn. 

Cách làm:

B1: Rửa sạch các nguyên liệu đã chuẩn bị (hoa cúc, táo đỏ, kỷ tử) và phải tách bỏ hạt táo khi sơ chế. 

B2: Cho 2 lít nước lọc vào nồi rồi cho táo đỏ và kỷ tử đun sôi với lửa lớn. Khi đã sôi thì hạ nhiệt để hầm trong khoảng 30 phút. 

B3: Sau đó cho tiếp bông cúc vào đun sôi thêm khoảng 5 đến 10 phút để hương thơm của hoa cúc hòa quyện vào nước trà rồi tắt bếp. 

B4: Cho đường phèn và khuấy đều để khoảng 5 phút cho đường tan. Điều chỉnh lượng đường phù hợp theo độ ngọt mong muốn. 

B5: Có thể uống khi trà nóng hoặc dùng trà nguội, cho thêm đá nếu muốn dùng trà lạnh. Ngoài ra, bạn có thể gạn bỏ bã và cho nước trà vào bình. Bảo quản trong tủ lạnh và dùng dần.

Trà táo đỏ mật ong

Nguyên liệu: 150gr táo đỏ, 50gr đường phèn, 350ml nước, 250ml mật ong. 

Cách làm: 

B1: Rửa sạch táo đỏ rồi tách bỏ hạt

B2: Cho đường phèn và táo đỏ vào nấu chín đến khi cạn nước. Đánh đều thành hỗn hợp bột táo. 

B3: Cho mật ong vào khuấy đều với hỗn hợp trên. Sau đó cho vào lọ thủy tinh để dùng dần. Mỗi khi uống lấy 1 thìa cà phê pha với nước sôi là được.

Kẹo táo đỏ hồ lô

Ngoài ra, táo đỏ còn có thể chế biến thành các món ăn vặt thơm ngon. Tốt cho sức khỏe như: Kẹo táo đỏ kẹp óc chó, kẹo táo đỏ đậu phộng, kẹo táo đỏ ngào đường, mứt táo đỏ,… Bạn có thể dễ dàng tìm mua táo đỏ trên thị trường và chế biến chúng thành những món ăn bổ dưỡng cho cả gia đình. Nhanh tay lưu lại những công thức trên để trổ tài nhé. Hi vọng có thể chia sẻ thêm với các bạn những công thức độc đáo hơn để biến tấu táo đỏ sấy khô Hàn Quốc ở những bài viết sau. 

Exit mobile version